Đặc trưng Đồ gốm Quân

Bình gốm Quân.

Men gốm Quân bao gồm màu xanh lam xám (thiên lam), xanh da trời (thiên thanh), trắng trăng (nguyệt bạch), đỏ (hồng) và tía (tử), với loại được đánh giá cao nhất có các mảng màu đỏ thắm hoặc tía. Thay đổi nhiệt độ và điều kiện môi trường lò nung (khử hay hoàn nguyên hoặc oxi hóa hay dưỡng hóa) làm thay đổi sắc thái màu, một kỹ thuật được gọi là diêu biến [dứu] (窑变[釉]).[8]

Đồ gốm Quân "dân"

Một loạt các đồ vật với hình dạng đơn giản được tạo ra, chủ yếu tương tự như đồ gốm Từ Châu được trang trí rất khác nhau. Giống như đồ gốm Từ Châu, phần xương gốm dày dặn và chắc chắn. Hầu hết là bát, đĩa được tạo hình tự nhiên trên bàn xoay gốm, và những chiếc bình nhỏ hoặc bình đựng rượu, chủ yếu có cổ hẹp, nhưng có một số mai bình. Ngoài ra còn có hộp, hũ, vò và các hình dạng khác.[3][7]

Chân đế của đồ gốm thời kỳ muộn hơn thường không tráng men và có màu nâu; gờ bát đĩa cũng có thể có màu nâu hoặc ánh xanh lục khi lớp men mỏng hơn. Các mẫu vật thời Tống cho thấy sự hoàn thiện cẩn thận với lớp men bên trong chân đế. Hình dạng của các mẫu vật thời Tống tự nhiên sắc nét và mỏng hơn so với các mẫu vật thời Kim và Nguyên. Tất cả các loại đều được tráng men dày, thường với lớp men không vươn tới chân đế.[8]

Các gờ giống như hoa ("tán lá") tìm thấy trong đồ gốm Quân "quan" đã bắt đầu ở một số hiện vật thời Tống, và lặp lại các phong cách đương đại ở đồ kim khí và sơn mài.[16] Vào thời Nguyên, một số vật phẩm, như bình và lư hương tròn, được gắn thêm quai (tay cầm).

Bình

  • Bình loe miệng với vết màu tía, thời Tống mạt hoặc Nguyên sơ.
  • Mai bình men nguyệt bạch, thời Nam Tống hoặc Kim.
  • Bình với các mảng màu tía, thời Kim mạt hoặc Nguyên sơ.
  • Phương bình men thiên lam, thời Nguyên.

Chén, bát

  • Bát men lam (9,5 × 22 cm) thời Nguyên.
  • Bát men tía lam (8 × 14 cm) thời Bắc Tống mạt hoặc Kim sơ.
  • Bát trong bộ sưu tập Percival David.
  • Bát (5 × 11 cm) thời Tống mạt hoặc Nguyên sơ.

Đồ gốm Quân "quan"

Ống nhổ hoặc bình hoa men lam tía, thời Nguyên hoặc Minh.

Mặc dù đồ gốm Quân không được các học giả thời Tống đề cập đến khi viết về đồ gốm (hoặc trong các biên niên sử còn sót lại), nhưng ít nhất thì thể loại cuối cùng được đề cập trên đây, loại có "sọc" màu tía trên nền xanh lam, dường như đã được làm cho cung đình, và được biết đến như là hàng gốm "quan" của đồ gốm Quân. Theo Shelagh Vainker,[3] các hiện vật có sọc là "tất cả các hình dạng được thiết kế để trồng hoặc cắm hoa", mặc dù các chức năng khác đôi khi cũng được đề xuất; như ống nhổ, bình hoa, giá đỡ đĩa rửa bút lông, giá đỡ bình hoa, chậu trồng thủy tiên v.v. Ví dụ, chiếc bình được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Walters, Baltimore được họ mô tả là "ống nhổ", nhưng một chiếc với hình dạng giống y hệt trong Bộ sưu tập Percival David được mô tả là "bình hoa", với chữ "六" (lục, số 6) được viết ở phía dưới.[17] Những chiếc bình rất giống như thế được vẽ với những cây trồng trong đó trong một bức chân dung hoàng cung thời Minh.[18] Bảo tàng Nghệ thuật Walters thận trọng trong việc xác định niên đại, trong khi Bảo tàng Anh ghi niên đại hiện vật của họ là 1403–1435, vào đầu thời Minh.

Kích thước và hình dạng của đồ gốm "quan" khác với các nhóm khác, thường lớn hơn, nặng hơn và có hình dạng phức tạp hơn,[3] được làm bằng khuôn kép (hai phần) trong một quy trình công nghệ dường như được các thợ gốm Quân phát minh.[4][18] Nhiều gờ không đều, tạo thành các hình dạng giống như bông hoa. Ngoài ra còn có các chữ viết chìm ở đáy của nhiều hiện vật, với chữ "Phong Hoa" (风华),[19] tên của một cung điện trong nội cung nhà Tống tại Khai Phong (ít nhất một trường hợp là sự bổ sung thời Thanh). Các hiện vật khác in chìm các chữ từ nhất (một) đến thập (mười) ở đáy.[17] Lời giải thích phù hợp nhất là chúng có thể để chỉ ra các kích thước tiêu chuẩn giúp cung đình sắp xếp thứ tự, hoặc chúng là các thành viên của các bộ vật dụng khớp với nhau. Nếu là các con số biểu thị kích thước, thì "1" là lớn nhất và "10" là nhỏ nhất.[3][20] Những hiện vật như vậy đôi khi được gọi là "đồ gốm Quân được đánh số". Cũng có một số vật dụng với hình dạng bồn/bàn đơn giản được làm với chất lượng tương tự, nhưng chúng không được đánh số, như ở chiếc đĩa này với chữ bính (丙) ở đáy.[21]

Có sự khác biệt giữa các tác giả phương Đông và phương Tây trong việc xác định niên đại của chúng. Các tác giả Trung Quốc, phần lớn dựa vào chứng từ các cuộc khai quật tại di chỉ lò gốm Quân Đài, xếp chúng vào cuối thời Bắc Tống, trong khi các tác giả phương Tây xếp chúng vào thời Nguyên hoặc đầu thời Minh.[1][2][14] Đã có nhiều thảo luận về một đồng tiền được cho là của thời Tống được tìm thấy trong một lò gốm ở Quân Đài. Có vẻ như ít nhất đã có các chỉ dụ thay thế đối với các cung điện trong hoàng cung mới ở Bắc Kinh đầu thời Minh (Vĩnh LạcTuyên Đức, vì thế khoảng 1402–1435), và nhiều hiện vật với các địa danh được in chìm, có thể được thêm vào trong thế kỷ 18, và chắc chắn vẫn giữ nguyên vị trí trong cung điện cho đến cuối thời Thanh.[18] Những bình hoa Quân cũng có thể được nhìn thấy trong các bức tranh cung đình từ thời Minh.[18] Bảo tàng Anh xác định niên đại của đồ gốm Quân quan "từ khoảng năm 1368 đến năm 1435".[21]

Các mảnh vỡ của các đồ vật này đã được khai quật tại di chỉ lò gốm Quân Đài, huyện ,[22] và gần đây, quan điểm đã nghiêng về việc xác định niên đại sớm hơn trong thời nhà Minh (như đề cập trên đây), và một số hiện vật đã được xếp loại lại từ các hiện vật mô phỏng "kiểu Quân" trong đồ gốm Cảnh Đức Trấn thành hiện vật của chính đồ gốm Quân.[23][24] Vật liệu làm xương gốm Quân quan dường như khá khác biệt so với vật liệu làm các đồ bình dân hơn và có trước đó.[20]

Các vật phẳng, rộng

  • Bồn thủy tiên, đường kính 20 cm, khoảng 1200-1300.
  • "Bát với chân như ý (如意)" (thời Tống, theo đánh giá của bảo tàng Östasiatiska).
  • Bát với gờ hình cánh hoa, men đỏ tía (bảo tàng Guimet xác định niên đại là thế kỷ 13-14).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đồ gốm Quân http://www.christies.com/salelanding/index.aspx?in... http://www.koh-antique.com/history/historysong.htm http://www.koh-antique.com/jun/jun.htm http://www.britishmuseum.org/research/collection_o... http://www.britishmuseum.org/research/collection_o... http://www.britishmuseum.org/research/collection_o... http://www.britishmuseum.org/research/collection_o... http://www.britishmuseum.org/research/collection_o... http://www.britishmuseum.org/research/collection_o... http://libmma.contentdm.oclc.org/cdm/compoundobjec...